Hiện nay, Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là những cụm từ được nhắc tới khá nhiều trong thời gian qua. Chính phủ điện tử là hình mẫu hành chính nhiều quốc gia đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, chính phủ điện tử là chính phủ như thế nào, chính phủ điện tử có gì khác so với chính phủ truyền thống là điều còn khá mới mẻ với phần lớn chúng ta.
Đến nay, có rất nhiều khái niệm khác nhau về chính phủ điện tử. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thế giới cho rằng, thuật ngữ chính phủ điện tử nhằm chỉ việc sử dụng công nghệ thông tin liên lạc mới của chính phủ vào thực hiện các chức năng khác nhau của chính phủ, trong đó internet mang lại thay đổi cấu trúc và phương thức hoạt động của chính phủ. Tổ chức Liên hợp quốc (UN) và Hiệp hội Hành chính Hoa Kỳ (ASPA) cho rằng, chính phủ điện tử là việc chính phủ khai thác các tính năng internet và World wide web (www) vào cung cấp thông tin và dịch vụ tới người dân và các đối tượng khác trong xã hội. Một số học giả cho rằng, ngoài ứng dụng internet và web, chính phủ điện tử còn bao hàm những ứng dụng công nghệ thông tin khác như cơ sở dữ liệu điện tử, mạng lưới, dịch vụ tự động, đa phương tiện, công nghệ định danh cá nhân… Một góc độ khác cho rằng, chính phủ điện tử là mối quan hệ chính phủ, khách hàng (là doanh nghiệp, người dân và các chính phủ khác) với nhà cung cấp (cũng là doanh nghiệp, người dân và các chính phủ khác).
Nhìn chung, các khái niệm về chính phủ điện tử đều coi đó là việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thông tin vào điều hành của chính phủ và tương tác của chính phủ đối với các thành tố khác trong xã hội như công dân, doanh nghiệp… nhằm phân phối dịch vụ trực tiếp tới khách hàng không giới hạn thời gian. Có thể rút ra một số đặc điểm chung về chính phủ điện tử như sau: Chính phủ điện tử là chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để tự động hóa và triển khai các thủ tục hành chính. Chính phủ điện tử cho phép công dân có thể truy cập các thủ tục hành chính thông qua các phương tiện điện tử như internet, điện thoại di động, truyền hình tương tác… Chính phủ điện tử là chính phủ làm việc với người dân 24/24 giờ, 7 ngày mỗi tuần, 365 ngày mỗi năm và người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ công dù họ ở bất cứ đâu.
Từ những đặc điểm đó cho thấy chính phủ điện tử có nhiều điểm khác so với chính phủ truyền thống. Với chính phủ truyền thống, quá trình quản lý hành chính trong nội bộ các cơ quan nhà nước diễn ra thủ công, tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Người dân không thể liên lạc với chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước ngoài giờ hành chính, không thể ở bất cứ nơi nào ngoài trụ sở của các cơ quan nhà nước. Người dân không thể đăng ký lấy giấy phép kinh doanh, làm khai sinh cho con mình hay đóng thuế trước bạ 24/24 giờ, 7/7 ngày và ở bất cứ đâu. Chính phủ điện tử có thể khắc phục được những hạn chế này của chính phủ truyền thống.
Ngoài ra, sự khác biệt chủ yếu giữa chính phủ điện tử và chính phủ truyền thống là sự khác biệt về tốc độ xử lý giữa các thủ tục hành chính được tự động hóa so với các thủ tục hành chính được xử lý thủ công. Việc tự động hóa thủ tục hành chính của chính phủ điện tử cho phép xử lý các thủ tục nhanh hơn, gọn hơn, đơn giản hơn rất nhiều. Không những thế, thông tin được cung cấp cho người dân còn đầy đủ, chính xác, dễ dàng, minh bạch hơn. Người dân cũng giảm nhiều chi phí để thu thập các thông tin này…
Nguồn: Sưu tầm