(+84) 936 110 116

Cơ hội để Việt Nam bứt phá thông qua chuyển đổi số

views 12/05/2020 8:46 am By: admin

“Việt Nam kiểm soát được dịch sớm trong khi thế giới vẫn đang ở đỉnh dịch. Đây là cơ hội để nước ta bứt phá vươn lên thông qua chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại Giao ban công tác QLNN 4 tháng đầu năm 2020.

Trong hoàn cảnh đại dịch, Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia có thể phát triển các ứng dụng CNTT để phòng, chống và đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Điều này là nhờ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được về mặt công nghệ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh những thách thức, đại dịch Covid-19 cũng mang tới những cơ hội cho Việt Nam.Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là “cú huých” trăm năm để chuyển đổi số. Do vậy, Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Cuộc họp giao ban 4 tháng đầu năm của Bộ TT&TT được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: Trọng Đạt

Khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số chính là sự xuất hiện của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, nền tảng báo điện tử, nền tảng an toàn an ninh mạng, nền tảng về điện toán đám mây,…

Nước ta có nhiều doanh nghiệp viễn thông và CNTT mạnh. Về gia công phần mềm, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trên thế giới. Đây là lúc cần phải tận dụng những doanh nghiệp này để đưa đất nước bứt phá đi lên.

Việt Nam hiện có 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Dân số chính là thị trường. Đại dịch Covid-19 giúp nhìn thấy rõ tầm quan trọng của thị trường nội địa, khi mà các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Do đó, cần phải coi dân số là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam để từ đó phát triển thị trường trong nước.

Mảng thiết bị y tế là thị trường rất lớn và phần nhiều dựa trên công nghệ điện tử. Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp ICT có thể chuyển sang nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phục vụ ngành y.

Sự phát triển mạnh mẽ của sách và nội dung số cũng sẽ tạo ra cơ hội cho ngành TT&TT. Để phát triển nội dung số, các nhà mạng phải điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với các doanh nghiệp tạo ra nội dung số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sau đại dịch Covid-19, sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu sẽ xảy ra. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự phân tán từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Việt Nam sẽ đón các làn sóng chuyển dịch này với ưu tiên là các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực R&D.

Từ đại dịch lần này, mô hình 2 bàn tay là thị trường tự do đi với nhà nước mạnh cũng được khẳng định. Đây có thể là hình mẫu cho các tổ chức, không chỉ với cơ quan nhà nước mà còn cả với các doanh nghiệp.

Tới đây, ngành TT&TT sẽ còn đóng góp lớn hơn nữa cho công cuộc phát triển kinh tế. Bộ TT&TT sẽ ra một chỉ thị mới, hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp ICT, các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia vào việc tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch.

Cơ hội trăm năm cho Chuyển đổi số quốc gia

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá đại dịch Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia, nên tất cả các lĩnh vực của ngành TT&TT phải bứt phá vươn lên, vì đây là ngành dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. 

“Lĩnh vực công nghệ và báo chí tuyên truyền qua đại dịch Covid-19 đã có đóng góp rất lớn để Việt Nam kiểm soát được dịch. Khi nền kinh tế tái khởi động, toàn dân ra sức phục hồi kinh tế thì ngành TT&TT cũng phải có đóng góp lớn để công cuộc này thành công, đạt mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.”

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra nhiều nhận định về tình hình thế giới và hướng phát triển của ngành TT&TT Việt Nam sau đại dịch. Ảnh: Trọng Đạt

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết: “Việt Nam đã có nhiều phần mềm chống dịch Covid-19 như phần mềm khai báo y tế tại cửa khẩu, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh, hệ thống báo cáo phục vụ ban chỉ đạo… Tất cả các sản phẩm này đều do Việt Nam tự phát triển. Một số phần mềm được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng mã nguồn mở. Việt Nam sẽ thúc đẩy sự mạnh mẽ sự phát triển của phần mềm mã nguồn mở. Tháng 8/2020, Việt Nam sẽ tổ chức đại hội mã nguồn mở lần đầu tiên. Bộ TT&TT cũng sẽ xây dựng chiến lược cho mã nguồn mở.”  

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Do thị trường Việt Nam đủ lớn, đây chính là cơ hội để Make in Việt Nam. Mỗi tuần, Bộ TT&TT sẽ tổ chức ra mắt các nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển, làm chủ các nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, chúng ta không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài, bởi các công ty nước ngoài. Chuyển đổi số mà không có nền tảng Việt Nam thì có khi lại mang tới sự nguy hiểm. Do đó, việc làm chủ các nền tảng chuyển đổi số Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng nhất.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ chương trình mỗi người Việt Nam một máy điện thoại thông minh và mỗi hộ dân Việt Nam một đường truyền Internet tốc độ cao. Tháng 6 này, thiết bị 5G Việt Nam được triển khai thử nghiệm trên mạng lưới. Tháng 10/2020 Việt Nam sẽ thương mại hoá 5G bằng thiết bị Việt Nam. 

Đối với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản di động (Mobile Money), chậm nhất đến tháng 6 sẽ được triển khai. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép. 

Bộ mã bưu chính Vpostcode sẽ cho phép chuyển phát chính xác đến từng hộ gia đình Việt Nam. Đây là bước phát triển đột phá, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Bộ TT&TT yêu cầu tất cả các tổ chức có hệ thống CNTT đều phải xây dựng hệ thống bảo vệ 4 lớp. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam. Mục tiêu là Việt Nam sớm làm chủ hệ sinh thái an toàn an ninh mạng.

Bộ TT&TT đang tập trung đưa quản lý nhà nước lên môi trường online. Đây là sự thay đổi phương thức quản trị căn bản, tránh tiếp xúc doanh nghiệp, giảm thời gian, giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân.

Hiện nhiều báo, đài, tạp chí đang gặp khó khăn về nguồn thu. Bộ TT&TT đã hỗ trợ 9 tỷ để đặt hàng báo chí, các doanh nghiệp ICT cũng hỗ trợ trực tiếp 3 tỷ đồng tiền mặt cho các cơ quan báo chí. Nhà mạng cũng đã miễn phí cho các cơ quan báo chí trong 2 tháng. Bộ TT&TT cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ đặt hàng thêm cho báo chí 100 tỷ đồng trong năm nay.

Ứng dụng công nghệ tăng trưởng chưa từng có

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã huy động 16 doanh nghiệp CNTT Việt Nam với tổng cộng 1.000 kỹ sư chuyên môn để tạo ra 22 sản phẩm phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có những sản phẩm phần mềm được tạo ra với thời gian ngắn kỷ lục, tính bằng giờ.

Nhiều phần mềm Việt Nam đã theo kịp thế giới trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, đối với việc truy vết những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh và giám sát cách ly, Việt Nam đã có những công cụ hiệu quả nhất, từ việc ứng dụng GPS và hạ tầng viễn thông để giám sát cách lý, sử dụng Bluetooth để truy vết tiếp xúc gần ….

Hội nghị giao ban QLNN 4 tháng đầu năm của Bộ TT&TT được thực hiện qua nhiều điểm cầu truyền hình.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), “quy luật 21 – 90” cho thấy, khi có một công nghệ mới ra, người dùng mất 21 ngày để trở thành thói quen và mất 90 ngày để trở thành sự thay đổi mãi mãi cách sống và làm việc.

Thực tế cho thấy, có 6 lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi lớn do sự tác động của Covid-19. Đó là cách mọi người làm việc từ xa, học tập trực tuyến, chăm sóc y tế từ xa, chăm sóc y tế xe tự lái, thương mại điện tử và các sự kiện ảo.

Tại Việt Nam, những thay đổi có thể dễ dàng nhận thấy là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã tăng từ 26 lên 32%, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 11% lên 14%.

So với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi, từ 12% lên 24%. Điều này cũng có nghĩa, 2 tháng vừa qua đã mang lại kết quả bằng tất cả thời gian trước đấy cộng lại.

Đây là cơ hội cho chuyển đổi số Việt Nam. Do vậy, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan nhà nước sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các loại thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT phấn đấu đưa 100% các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4.

Trong 2 tháng diễn ra dịch bệnh, số bộ, ngành kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng gấp đôi. Số đơn vị phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh cũng tăng gần từ 27% lên 44%. Mục tiêu của Bộ TT&TT là 100% các bộ, tỉnh có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh.

Bộ TT&TT đã phát động việc sử dụng nền tảng dạy và học trực tuyến, khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn sớm khám chữa bệnh từ xa, ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính Việt Nam.

Trong tuần tới, Bộ sẽ ra mắt nền tảng họp trực tuyến do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tới đây là nhiều nền tảng khác để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Theo ông Dũng, đây chỉ là điểm khởi đầu để mang các nền tảng chuyển đổi số vào cuộc sống.

Thay đổi tư duy về nội dung số

Theo ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT (Bộ TT&TT), dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các nền tảng số. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, tổng lượng người đăng ký trên 630 mạng xã hội Việt Nam đã vọt lên mức 74 triệu người, hơn cả số người sử dụng Facebook.

Điểm cầu truyền hình tại Cục Viễn thông.

Nguyên nhân là bởi các mạng xã hội Việt đã hưởng ứng phát động của Chính phủ và Bộ TT&TT, từ đó mở ra các chiến dịch truyền thông phòng chống Covid-19. Phong trào này được người dùng Việt Nam lan tỏa trên cả mạng xã hội xuyên biên giới với sự tham gia rất tích cực của Facebook, Google và TikTok.

Thông điệp “Ở nhà vui” trên Tiktok Việt Nam chỉ trong 2 tuần đã có 500.000 video với 2 tỷ lượt người xem. UNESCO thậm chí đã gửi lời cảm ơn tới các chiến dịch truyền thông về đại dịch Covid-19 của người Việt. Điều này cho thấy sự hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Theo ông Lưu Đình Phúc, đây là cơ hội để chiếm lĩnh người dùng Việt trên các nền tảng số. Việt Nam cũng có thể sử dụng các nền tảng xuyên biên giới đăng ký hoạt động tại Việt Nam để làm đối trọng, phá vỡ thế độc quyền của Facebook, Google. Kết quả là, bằng các biện pháp tổng thể của Bộ TT&TT, Facebook đã cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Tuy vậy, có một thực tế là các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Zoom đang hưởng lợi lớn từ dịch bệnh này. Trong khi đó, do phụ thuộc ngân sách vào quảng cáo, nhiều đài truyền hình, nhiều tờ báo không có doanh thu vì Covid-19.

Xu hướng của thế giới đang là thuê bao hóa các dịch vụ nội dung. Thực tế này đòi hỏi báo chí phải thay đổi mô hình hoạt động, đa dạng hoá dịch vụ, đổi mới về chất lượng nội dung để phát triển.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định dịch Covid-19 khiến chúng ta phải suy nghĩ lại mô hình vận hành của báo chí Việt Nam. Thay vì viết nội dung chất lượng thấp để “ăn tiền” quảng cáo, báo chí nên suy nghĩ về việc thay đổi mô hình kinh doanh sang mô hình đăng ký thuê bao, đồng thời với nó phải là sự thay đổi về chất lượng. “Mỗi thuê bao trả 25 USD, một tờ báo chỉ cần có lượng thuê bao bằng 1% dân số thì doanh thu có thể bằng cả khối báo chí cộng lại”. 

Nhà mạng phải mở rộng không gian tăng trưởng

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, lượng thuê bao di động tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã sụt giảm, chỉ còn 125 triệu thuê bao. Điều này là do tác động của chính sách quản lý SIM kích hoạt sẵn. Tuy vậy, lượng thuê bao di động của Việt Nam vẫn ở mức rất cao so với thế giới.

Chỉ trong tháng 4/2020, đã có thêm 200.000 thuê bao băng rộng cố định so với tháng 3. Lưu lượng data cố định tại Việt Nam đạt 350Gb, cao hơn 3,5 so với mức trung bình thế giới. Việc tăng các thuê bao băng rộng cố định giúp người dân có thể làm việc từ xa, thích nghi với một cuộc sống bình thường mới.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ TT&TT, các nhà mạng đã thực hiện tổng cộng 15 tỷ tin nhắn với 20 nội dung khác nhau nhằm tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19. Khảo sát xã hội cho thấy, tỷ lệ tiếp cận của người dân với các tin nhắn này là 78%, ngang ngửa so với TV (80%).

Đợt vận động nhắn tin ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 qua đầu số 1407 cũng thu được kết quả tích cực với hơn 2,5 triệu tin nhắn. Tổng số tiền thu được từ đợt vận động là hơn 150 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, đường dây nóng 1900.9095 mà Bộ TT&TT hỗ trợ Bộ Y tế đã tiếp nhận 600.000 cuộc gọi. Bên cạnh đó, việc cài đặt âm thông báo đã tiếp cận được tới 10 triệu lượt người nghe. Logo “Hãy ở nhà” của các nhà mạng đã gửi thông điệp tuyên truyền tới 125 triệu thuê bao di động.

Về lĩnh vực Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo nếu các doanh nghiệp viễn thông muốn mở rộng không gian tăng trưởng, điều kiện tiên quyết là phải định danh được số điện thoại di động.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai Mobile Money trên vùng phủ toàn quốc với điều kiện phải định danh được người dùng di động. Nếu không triệt để loại bỏ SIM rác và  định danh được số điện thoại di động, các nhà mạng sẽ không có cơ hội đi ra khỏi ngành viễn thông đang bão hòa. 

— Nguồn: ICT News

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *