(+84) 936 110 116

Công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

views 04/12/2019 8:36 am By: starfruit

Công nghệ tài chính (Fintech) là công nghệ mới và đổi mới nhằm cạnh tranh với các phương pháp tài chính truyền thống trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Việc sử dụng điện thoại thông minh cho dịch vụ ngân hàng di động, dịch vụ đầu tư và tiền mã hóa là những ví dụ về công nghệ nhằm làm cho các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn với công chúng. Các công ty công nghệ tài chính bao gồm cả công ty mới thành lập và các công ty tài chính và công nghệ cố gắng thay thế hoặc tăng cường việc sử dụng các dịch vụ tài chính do các công ty tài chính hiện có cung cấp.

Sự bùng nổ của các giải pháp Fintech do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính. Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng lớn, các công ty Fintech đã và đang thu hút được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vốn không có tài khoản ngân hàng, là những đối tượng khách hàng mà các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống còn chưa phục vụ đầy đủ. Xu thế chủ đạo trong thời gian qua vẫn là mô hình kết hợp giữa Fintech và ngân hàng. Sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng tạo ra các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chất lượng cao, nhiều trải nghiệm và tiện ích hơn, thời gian xử lý nhanh hơn trong khi chi phí dịch vụ lại có thể thấp hơn, nhờ đó ngân hàng có thể thu hút được thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các trường hợp công ty Fintech đã trở thành các đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với ngân hàng như các công ty Wechat, Alipay của Trung Quốc, M-Pesa của Kenya… Số lượng khách hàng của các công ty Fintech này thậm chí đã vượt xa so với số lượng khách hàng của các ngân hàng lớn nhất ở quốc gia đó.

Ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động M-Pesa (Kenya) là một minh chứng thành công nhất trong việc mở rộng khả năng thu hút đối tượng khách hàng không có tài khoản ở khu vực Châu Phi của một công ty Fintech phi ngân hàng. Sau 10 năm ra đời và hoạt động, giờ đây ứng dụng M-Pesa đã hiện diện tại 10 quốc gia,  phục vụ gần 29,5 triệu khách hàng với mạng lưới hơn 287.400 đại lý. Trong năm 2016, hệ thống M-Pesa đã xử lý khoảng 6 tỷ giao dịch với 529 giao dịch được xử lý mỗi giây. Ứng dụng này ban đầu được thiết kế chỉ để cho phép khách hàng được thực hiện giao dịch chuyển tiền nhưng trong thập kỷ qua, M-Pesa đã phát triển vượt xa mục tiêu này và đóng một vai trò quan trọng trong các nền kinh tế một số quốc gia và được sử dụng cho một loạt các giao dịch thiết yếu như thanh toán hóa đơn, chi trả lương, lương hưu, giải ngân trợ cấp nông nghiệp và trợ cấp của chính phủ, các khoản tiết kiệm di động có lãi suất và các khoản vay nhỏ hợp tác với các ngân hàng. Ứng dụng M-Pesa còn được bổ sung dịch vụ chuyển tiền quốc tế từ năm 2009.

Hai nghiên cứu toàn cầu gần đây của Ngân hàng Thế giới và của công ty Oracle cho thấy, 515 triệu khách hàng trên toàn thế giới đã mở tài khoản ngân hàng thông qua một công ty Fintech trong ba năm qua và hơn 30% số người được hỏi cho biết họ sẽ xem xét việc thử nghiệm các dịch vụ do công ty Fintech cung ứng.

Nhìn chung, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số ngày càng tăng là kết quả trong việc tiếp cận nhiều hơn hạ tầng công nghệ và di động trên toàn cầu.

Việt Nam với gần 67% dân số hiện đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng hay mạng lưới ATM của các ngân hàng có độ bao phủ thấp do hiệu quả kỳ vọng mang lại so với chi phí đầu tư là thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của các ngân hàng. Do không thể tiếp cận dịch vụ của các ngân hàng nên trên thực tế hiện nay, người dân sinh sống ở các khu vực này đang phải sử dụng các kênh thanh toán, chuyển tiền không chính thức có độ an toàn thấp và rủi ro cao.

Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động và Internet của người dân Việt Nam ở mức cao. Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet,  đứng vị trí thứ 6 khu vực ở Châu Á – Thái Bình Dương và vị trí 13 trên thế giới (theo Internet World Stats) và tổng cộng 25,1 triệu người sử dụng điện thoại thông minh với tỷ lệ tiếp cận điện thoại thông minh 26,4 %, đứng vị trí 21 trên thế giới, (theo báo cáo Newzoo’s Global Mobile Market tháng 4/2017). Thêm vào đó, sự am hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin của người trẻ tuổi; sự bùng nổ của thương mại điện tử; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp… là những yếu tố thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng dựa trên nền tảng Fintech tại Việt Nam trong tương lai.

Financial technology concept.

Tuy nhiên, sự đổi mới, sáng tạo của Fintech không chỉ đem lại những lợi ích to lớn đối với các tổ chức ngân hàng – tài chính mà nó cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia trong cách ứng xử và quản lý hoạt động này. Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của Fintech – một lĩnh vực hoàn toàn mới đã khiến hệ thống tài chính của các quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin… Có thể thấy, hiện nay, nổi lên hai trường phái quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động của các công ty Fintech của các cơ quan quản lý trên thế giới:

Một là, trường phái bảo thủ, coi các sản phẩm và dịch vụ do công ty Fintech cung cấp giống như dịch vụ ngân hàng, do đó phải tuân thủ các quy định pháp lý về hoạt động giống ngân hàng cũng như các quy định bảo vệ người tiêu dùng và các quy định pháp lý khác (same business, same risks, same rules). Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Đức… coi dịch vụ do Fintech cung ứng tương tự dịch vụ ngân hàng truyền thống, do đó các tổ chức này cần phải được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng khi cung ứng dịch vụ.

Quan điểm này sẽ giúp các quốc gia trên bảo vệ được lợi ích của khách hàng cũng như sớm đưa các công ty Fintech vào khuôn khổ quản lý. Tuy nhiên, trường phái này đối diện với một thách thức rất lớn đó là triệt tiêu khả năng sáng tạo của các công ty Fintech khi gò bó các công ty này vào các quy tắc quản lý vốn đã cũ, không còn phù hợp với thời đại công nghệ hiện nay.

Hai là, trường phái cởi mở, chấp nhận những sáng tạo đổi mới của Fintech; theo đó, các công ty Fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng sẽ không bị ép buộc vào khuôn khổ hoạt động giống như các ngân hàng truyền thống, vì theo quan điểm này nếu thực hiện như vậy sẽ cản trở khả năng sáng tạo của các công ty Fintech, qua đó làm giảm động lực phát triển xã hội. Các nước ở khu vực Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương là các nước có xu hướng cởi mở và coi trọng thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ đi theo trường phái này.

Trường phái này giúp các công ty Fintech có thể tự do vận dụng các sáng tạo, đổi mới của mình để làm mới các dịch vụ tài chính truyền thống đã cũ, giúp giảm bớt các chi phí cho khách hàng sử dụng, đồng thời mở rộng hơn nữa phạm vi cung ứng của các dịch vụ này. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý cho các công ty Fintech không  thể theo kịp sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ, một số mô hình công ty Fintech có thể gây ra tổn thất cho khách hàng và ở quy mô lớn có thể dẫn tới đổ vỡ hàng loạt của các công ty Fintech. Sự thất bại và đổ vỡ hàng loạt của các công ty P2P tại Trung Quốc là một minh chứng khá rõ nét cho việc bùng nổ phát triển Fintech thiếu sự kiểm soát, quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó, các quốc gia theo trường phái này thường tạo ra các cơ chế thử nghiệm hay thí điểm, giúp các công ty Fintech có thể thử nghiệm các dịch vụ/sản phẩm của mình với quy mô hạn chế có sự kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện giải pháp, tăng cường kiểm soát rủi ro để các sản phẩm này có thể nhanh chóng cung ứng ra thị trường, phát huy hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo khách hàng có thể tận hưởng các lợi ích mà Fintech đem lại trong một môi trường ít rủi ro hơn.

Kể từ khi quốc gia đầu tiên trên thế giới là Vương quốc Anh (Cơ quan Giám sát tài chính Anh – FCA) ban hành Khuôn khổ thử nghiệm Fintech (gọi tắt là Sandbox) vào tháng 11/2015, hiện đã có 28 quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận tương tự. Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Inđônexia là bốn quốc gia đầu tiên ban hành “Regulatory Sandbox”, trong đó Singapore là quốc gia ban hành đầu tiên vào tháng 6/2016.

Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam đang gặp một số thách thức mới trong quản lý nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng, các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, tiền ảo/tài sản ảo, phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICOs), kinh doanh đa cấp lợi dụng danh nghĩa tiền ảo/tài sản ảo… Hoạt động của loại hình các công ty nêu trên đã phát sinh những vấn đề xung đột lợi ích nhất định giữa các bên. Trên thực tế, thể chế quản lý đối với lĩnh vực Fintech tại Việt Nam hiện nay chưa được đề cập trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước; các lĩnh vực hoạt động cụ thể của Fintech hiện cũng chưa có khuôn khổ pháp lý riêng để điều chỉnh, ngoại trừ lĩnh vực thanh toán. Kinh nghiệm xử lý đối với trường hợp Uber và Grab tham gia thị trường vận tải tại Việt Nam vừa qua đã cho thấy, bài học sâu sắc cho ngành tài chính – ngân hàng về việc ứng phó đối với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ; nếu không chuẩn bị trước, đặc biệt là một hành lang pháp lý thì việc quản lý nhà nước có thể sẽ gặp nhiều lúng túng khi các công ty Fintech mở rộng phạm vi hoạt động. Do vậy, yêu cầu cấp thiết trước mắt cần có một “cơ chế quản lý thử nghiệm” để tạo khuôn khổ giám sát và quản lý cho sự hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này nhằm hạn chế tối đa việc cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn thiện dự thảo Đề án về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech cung ứng giải pháp, dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng. Dự thảo Đề án này đã được gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan và một số tổ chức tài chính quốc tế. Dự kiến bản Đề án sẽ được NHNN trình Chính phủ đầu năm 2019 đề xuất Chính phủ cho phép NHNN và các cơ quan liên quan thực hiện cơ chế thử nghiệm cho các giải pháp Fintech.

— Nguồn: Tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *