Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển đáng kể, tiếp tục mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng vượt qua mức 25%. Các giao dịch thương mại điện tử ngày càng được thực hiện thông qua nhiều nền tảng, bao gồm sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các trang web trực tiếp của doanh nghiệp và những người kinh doanh.
Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc áp dụng hợp đồng điện tử trong các giao dịch thương mại truyền thống đang có những động thái tích cực. Điều này giúp doanh nghiệp tối đa hóa hiệu suất kinh doanh và mở rộng phạm vi tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng. Đồng thời, cũng đóng góp vào việc xây dựng một xã hội thông minh và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Nhằm thúc đẩy quá trình triển khai hợp đồng điện tử (HĐĐT) tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Công Thương đang tích cực hoàn thiện hệ thống pháp lý cho các hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử. Cụ thể, vào ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, nhằm quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phát hành một thông tư để quy định hướng dẫn về quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực Hợp đồng Điện tử (HĐĐT) và công bố danh sách các doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT tại Việt Nam.
Đến tháng 6/2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra hệ thống, đánh giá hồ sơ đề án và xác nhận rằng các doanh nghiệp như Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT, Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Công ty Cổ phần BKAV, Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone, Công ty TNHH Tổng Công ty công nghệ và giải pháp CMC, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPay, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Cổ phần Savis, và Công ty Cổ phần Công nghệ tin học EFY Việt Nam đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT.
Các HĐĐT sau khi được chứng thực bởi các tổ chức chứng thực HĐĐT trở thành Hợp đồng Điện tử Có Tích Xanh. Đây là những hợp đồng điện tử được chứng thực trên các nền tảng quản lý HĐĐT của các tổ chức chứng thực HĐĐT (CeCA), đã được Bộ Công Thương xác nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ và được ghi nhận bởi Trục phát triển HĐĐT Việt Nam.
Do đó, thị trường nay đã có thêm sự lựa chọn về giải pháp chứng thực HĐĐT an toàn và bảo mật. Điều này đặc biệt quan trọng để kết nối các nền tảng công nghệ và hạ tầng số tin cậy của Chính phủ với doanh nghiệp, tổ chức và người dùng, hỗ trợ họ thực hiện các giao dịch điện tử và chứng thực HĐĐT có tích xanh trên Trục phát triển HĐĐT Việt Nam.
Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ toàn bộ hoạt động ứng dụng HĐĐT tại Việt Nam. Nó sẽ là cầu nối giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT và các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo, vv. Điều này sẽ tạo nền tảng cho việc chứng thực HĐĐT nhanh chóng và hiệu quả.
Lợi ích hợp đồng điện tử có tích xanh
Hợp đồng điện tử có tích xanh đại diện cho một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự áp dụng của hợp đồng điện tử tại Việt Nam, hứa hẹn đảm bảo tính bảo mật, xác thực toàn vẹn và ngăn chặn việc chối bỏ đối với các giao dịch điện tử. Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò là cơ quan trung gian đáng tin cậy, hỗ trợ giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng điện tử. Doanh nghiệp và cá nhân có thể yên tâm về tính pháp lý và toàn vẹn của hợp đồng điện tử có tích xanh, đồng thời họ có thể hưởng các lợi ích sau:
Tiện lợi, An toàn, Bảo mật: Hợp đồng điện tử có tích xanh có thể được ký kết ở bất kỳ đâu và bất cứ khi nào, mà không cần phải gặp mặt trực tiếp đối tác. Điều này giúp tránh quản lý công tác đi công tác gây gián đoạn cho công việc kinh doanh. Hợp đồng điện tử cung cấp quy trình và thủ tục thực hiện nhanh chóng, chính xác, minh bạch, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Chống chối bỏ: Hợp đồng điện tử có tích xanh chính thức có hiệu lực từ thời điểm tất cả các bên tham gia ký kết. Mọi chỉnh sửa trên hợp đồng được ghi lại và nếu một bên thực hiện chỉnh sửa mà không có sự đồng thuận của bên còn lại, hợp đồng ngay lập tức trở nên vô hiệu. Cơ chế ghi lại toàn bộ lịch sử chỉnh sửa đảm bảo duy trì tính minh bạch cho hợp đồng điện tử. Điều này thúc đẩy sự tuân thủ luật, vì tất cả các bên tham gia dễ dàng theo dõi các thay đổi trong điều khoản.
Dễ dàng ứng dụng với bên thứ ba: Với sự hoàn thiện của hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đã xây dựng văn bản hướng dẫn cho các Bộ, Ngành, và Địa phương để ứng dụng hiệu quả hợp đồng điện tử có tích xanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.