Dịch Covid-19 kéo dài tuy gây khó khăn tới nhiều mặt kinh tế xã hội, nhưng ở một góc độ khác, đây cũng là yếu tố tạo cho người dân nhanh làm quen với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán qua mobile phát triển mạnh
Diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp hơn nên từ ngày 13/7, Hà Nội đã chính thức dừng tất cả hoạt động kinh doanh như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Bối cảnh xã hội hiện tại đang đặt ra yêu cầu gia tăng các giao dịch trực tuyến, trong đó không thể thiếu nhu cầu thanh toán.
Thực chất, việc gia tăng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt đã nằm trong chủ trương chung từ nhiều năm trước, nhưng điều kiện dịch bệnh khiến người dân buộc phải giãn cách là yếu tố khiến người dân có thể làm quen nhiều hơn với các phương tiện thanh toán hiện đại để thay thế các phương thức truyền thống theo thói quen lâu nay.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xu hướng thanh toán sử dụng công nghệ số đang tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là các hình thức thanh toán qua điện thoại di động (mobile) tăng trưởng rất mạnh. Ngoài ra ông Dũng cũng cho biết, để khuyến khích người dân tham gia tích cực hơn thì hầu hết các ngân hàng lớn đều đã đưa phí chuyển tiền về 0 và tính đến cuối tháng 6/2021, có tới 81% lệnh chuyển tiền trực tuyến đã được miễn phí.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025 và triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhiều phương thức thanh toán mới
Ngay cả trong các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, những phương thức mới cũng liên tục được bổ sung để tăng tốc và tăng tính thuận tiện, tính đa dạng trong quá trình thanh toán. Trong đó, chiếc điện thoại di động đang ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu. Xu hướng này được kỳ vọng có thể thay đổi toàn diện thói quen thanh toán, nhất là trong các hoạt động tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến quý II/2021, giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng khoảng gấp 2 lần về số lượng và gấp xấp xỉ 3 lần về giá trị so với 1 năm trước. Thanh toán QR Code là cách người sử dụng dùng điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. Khi thanh toán bằng QR Code, người dùng sẽ không phải điền thông tin khách hàng, số thẻ hay số tài khoản ngân hàng… mà chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền cần thanh toán là xong.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng hiện cũng đang nghiên cứu để sắp đưa vào thử nghiệm hình thức thanh toán còn mới hơn nữa là Mobile Money. Trong quý II/2021, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết văn bản hợp tác trong công tác quản lý thí điểm dịch vụ Mobile Money. Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo quy chế phối hợp giữa 3 bộ được các bên xây dựng thống nhất trong thời gian rất khẩn trương, chỉ mất chưa đầy 1 tháng.
Mobile Money (còn được gọi là tiền di động) là hình thức thanh toán được thực hiện thông qua một thiết bị di động. Dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông, nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa. Mobile Money khác với các ví điện tử ở chỗ người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng dịch vụ. Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), Mobile Money đang có 290 loại hình giao dịch tại 95 quốc gia toàn cầu với 1,04 tỷ tài khoản được đăng ký. Các đại lý chuyển tiền qua điện thoại di động có phạm vi tiếp cận nhiều gấp 7 lần so với ATM và gấp 20 lần so với các chi nhánh ngân hàng.
Tại Việt Nam, sau khi đã có quy chế phối hợp thí điểm giữa 3 bộ nêu trên, một số nhà mạng lớn (như Viettel, VNPT, MobiFone…) cũng đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm cung ứng dịch vụ này. Theo quy định, các yêu cầu đối với nhà cung ứng dịch vụ Mobile Money bao gồm các phương án về kỹ thuật, phương án quản lý, các quy trình nghiệp vụ, an ninh bảo mật… phù hợp với các quy định trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông.
Nguồn: Chí Tín